Hiện nay, phân bò là mặt hàng đắt giá
nên khắp nơi trong tỉnh rộ lên phong trào mở đại lý mua đi bán lại. Trong khi
đó, nhiều cánh đồng đang thiếu phân bò làm “vốn” dinh dưỡng cho đất.

Phân
bò chất đống trên đường quốc lộ 1, đoạn qua xã An Cư (huyện Tuy An)
PHÂN BÒ ĐẮT HÀNG
Dọc theo đường từ xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa) lên xã An Thọ (huyện Tuy
An), phân bò chất ngổn ngang. Còn hai bên đường đi xã Xuân Sơn Nam, Xuân
Phước (huyện Đồng Xuân) là những “núi” phân bò chất cao chờ xe tải đến chở.
Ông Nguyễn Văn Sử, một đại lý thu mua phân bò ở xã Xuân Phước, cho hay: Tôi
đi mua phân bò gom lại từ nhiều chủ, một tuần thì đủ chuyến xe tải 15 đến 17
tấn. Phân bò ở đây đem lên Đắk Lắk, Gia Lai bán cho những người trồng cà phê.
Theo nhiều người dân, hiện nay, phân bò đang là mặt hàng đắt giá nên
nhiều nông dân tận dụng tối đa nguồn phân bò để bán. Bà Bùi Thị Hiền ở xã An
Thọ cho biết, gia đình nuôi 10 con bò trung bình một tháng gom phân bò bán
được 600.000 đồng, một năm bán gần 8 triệu đồng.
Không chỉ bán lẻ, nhiều người còn mua đi bán lại phân bò tại chỗ
theo kiểu “sang tay” kiếm lời. Bà Trần Thị Thu ở xã An Thọ, cho biết: Gia
đình mua phân bò khô, thuê công vào bao bán lại cho chủ xe tải. Phần lớn
người nuôi bò bán phân vì cho rằng nếu đem vãi ruộng thì mọc cỏ nên mùa nắng
một tháng tôi “sang tay” được từ 4 đến 5 xe tải, kiếm được 4-5 triệu đồng.
Theo nhiều đại lý, phân bò hiện nay rất đủ chất vì không như trước
kia bò chỉ được cho ăn cỏ, rơm rạ, nay nhiều người còn nấu cháo nuôi bò. Cháo
được nấu từ cám, chuối cây, rau muống, gạo và pha vào ít thức ăn cám công
nghiệp. Khi bò thải ra, ủ cho phân hoai rồi đem bón thì cây xanh tốt, ít sâu
bệnh nên người trồng cà phê, thanh long rất mê.
RUỘNG CẦN PHÂN BÒ
Ở một số vùng như các xã An Hiệp, An Hòa, An Mỹ (huyện Tuy An), các
cánh đồng lúa từ tháng 5 đến tháng 10 thường bỏ hoang vì thiếu nước tưới,
người dân quanh vùng lùa bò vào chăn thả. Hàng ngày, nhiều người già chịu khó
ra đây lượm phân bò. Vì ruộng không có chút phân bò thấm đất nên các cánh
đồng này trước đây màu mỡ giờ trở thành đất cằn cỗi. Còn các vùng gò đồi từ
xã Xuân Sơn Nam đến xã Xuân Phước, đất đồi tươi tốt nay trở thành đất sạn cốm
chai cứng. Ông Mạnh Văn Tính ở xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân), nói: “Đất
trồng sắn mía và trồng lúa chỉ có phân bò bón lót mới tơi xốp được. Nhưng
hiện nay, người dân đua nhau bán phân bò hết rồi. Tôi cũng làm nông, thấy dân
mình bán phân bò mà nóng mặt”. Cũng theo ông Tính, lâu nay, ông chỉ bón ruộng
bằng phân bò. Ông vần công với những người trong xóm gánh phân bò đổ đám đất
gò, bón lót một mùa đầu nhưng phân thấm tốt 2 đến 3 vụ sau. Còn đám đất gò
bên cạnh, vụ nào cũng vãi cả bao phân NPK (gần 600.000 đồng/bao), trong khi
sắn mía hạ giá rồi công cày bừa tăng cao, tính ra cuối vụ phủi tay về không.
Theo kinh nghiệm của nông dân, đối với ruộng bón lót phân bò thì về
sau, họ chỉ bón ít phân kali hoặc urê chứ không phải đội cả thúng phân NPK,
DAP đổ xuống nữa. Đất không được bón phân bò, ngoài diện tích vùng trũng hàng
năm được phù sa bồi đắp thì phần ruộng và khu gò đồi cao hơn đang “kiệt sức”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Thành, Phó giám đốc Trung tâm
Khuyến nông - Khuyến ngư Phú Yên, phân tích: Bón phân bò sẽ giúp bồi bổ cho
đất. Đối với đất cát, phân bò sẽ giúp đất tạo sự kết dính, không rút nước
nhanh, chất dinh dưỡng có thể “nuôi” cây trồng. Ngược lại đối với đất thịt,
phân bò rã ra ở mức vừa phải, cây trồng hút nhanh khoáng chất có trong phân.
Tuy nhiên, nông dân cần ủ phân bò cho hoai theo đúng quy trình kỹ thuật, khi ủ
phân phải trát đất xung quanh để tạo độ nóng tiêu diệt hết mầm mống cỏ dại
trong phân, khi bón ruộng không mọc cỏ. “Để chữa căn bệnh ruộng nghèo dinh
dưỡng, nông dân cần phải bón phân bò. Nếu không có phân bò làm “vốn” cho đất
thì năm nào nông dân cũng phải tốn số tiền lớn mua các loại phân bón hóa học.
Đầu tư như vậy cầm chắc lỗ”, ông Thành nói.
Nguồn: Báo Phú Yên
|