Tin khác

 

Hiện giá dê thịt đang ổn định ở mức cao, dao động từ 80-90 ngàn đồng/kg, dê giống có giá 100 ngàn đồng/kg. Nhờ tận dụng được thức ăn, nuôi tập trung tại chuồng, chủ động kiểm soát dịch bệnh nên nhiều đàn dê ở xã Thanh An (Hớn Quản) phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

MÔ HÌNH HIỆU QUẢ

Gia đình chị Lê Thị Đào và anh Nguyễn Tiến Quang ở ấp An Quý trước đây do thiếu may mắn trong làm ăn dẫn đến nợ nần phải bán cả vườn rẫy.  Sau đó anh chị chuyển hướng sang chăn nuôi heo nhưng vẫn không khá hơn bởi bệnh heo tai xanh. Thất bại trong làm ăn đã khiến gia đình anh chị trở thành hộ nghèo. Chị Đào kể: “Năm 2006 nhà chẳng còn đất, rẫy. Thấy người ta nuôi dê tôi cũng bắt chước theo. Mới đầu tôi mua 8 con dê cái gây đàn, giá 42 ngàn đồng/kg. Cặm cụi cả năm chăm sóc nhưng đến lúc bán giá dê thịt chỉ còn 18 ngàn đồng/kg”.

http://baobinhphuoc.com.vn/Content/UploadFiles/EditorFiles/images/channuoide.jpg
Ông Phạm Văn Sinh tận dụng phân dê để bón cho vườn tiêu

Chẳng còn cách nào khác nên vợ chồng chị Đào động viên nhau kiên trì bám vào đàn dê. Lúc khó khăn, anh chị xin lá keo, lá anh đào, lá sung từ những trụ tiêu sống ở các nhà vườn làm thức ăn cho đàn dê. Có thời gian anh chị còn trồng thêm mì, lấy lá và cám bổ sung. 8 năm kiên trì hy vọng đổi đời với con dê, đến nay mơ ước của anh chị đã thành hiện thực.

Chị Đào hồ hởi: Gia đình tôi thoát nghèo từ nuôi dê. Với 8 con dê đẻ 2 năm 3 lứa, mỗi lứa trung bình 1,7 con, đàn dê duy trì từ 25-30 con, dê con nuôi 6 tháng được khoảng 20-25kg thì xuất chuồng, mỗi năm thu nhập bình quân 60 triệu đồng. 3 năm nay nhờ giá dê ổn định nên tôi đã xây được nhà.

Thấy nhiều người trong xã Thanh An nuôi dê, 6 tháng nay ông Phạm Văn Sinh ở ấp Trung Sơn cũng đầu tư làm chuồng trại nuôi dê. Hiện đàn dê 10 con của ông đã đẻ được 6 con, 5 cái 1 đực. Ông Sinh cho biết sẽ không bán dê thịt trong thời gian tới mà để nhân đàn. Ông giải thích: “Vườn nhà tôi hơn 1 ha đang trồng tiêu, lâu nay bón phân hóa học nhiều nên đất đã bị chai. Tôi đang cải tạo lại đất bằng các nguồn phân hữu cơ và nuôi dê là một trong những giải pháp tốt.

Ông Sinh ủ phân dê và bón cho vườn tiêu 13 năm tuổi khiến những trụ tiêu xanh tốt hơn. Vì vậy ông quyết tâm nhân đàn để có được nguồn phân đủ cải tạo cả vườn.

Hằng ngày ông Sinh chỉ cần 2 giờ để cắt lá keo, lá anh đào... từ các trụ tiêu sống để cung cấp thức ăn cho đàn dê. Do được đầu tư chuồng trại nên đàn dê ít bệnh. “Tôi chỉ sợ dê bị trùng huyết mà chết, còn các bệnh thông thường khác như lở mép, đau mắt... tôi có thể tự chữa được”. Ông Sinh và chị Đào đều nói như vậy khi chúng tôi đề cập kỹ thuật chăm sóc dê.

GIẢI PHÁP XÓA NGHÈO BỀN VỮNG

Ông Hà Đăng Trường, Chi hội trưởng chi hội nông dân ấp Trung Sơn cho biết: Hơn 1 năm nay trong ấp đã có thêm 7-8 hộ nuôi dê mới, trong đó có cả những hộ nghèo. Trong danh sách vay vốn của tổ trưởng Phạm Văn Sinh, hiện có hộ nghèo Thạch Chia, Tiêu Văn Nhã, Phạm Thị Thu Thủy... đăng ký vay vốn ngân hàng chính sách để nuôi dê. Ông Trường phân tích: “Chỉ cần 10 triệu đồng là người nghèo có thể nuôi được dê. Nuôi dê tốn ít công nên có thể bỏ công làm lời. So với nuôi bò, nuôi dê lãi nhiều hơn, thu hồi vốn nhanh hơn và ít rủi ro hơn nuôi gia cầm. Về đầu ra không biết sau này thế nào chứ hiện nay nếu gọi điện thoại là có người đến tận chuồng bắt”. Chưa có thống kê cụ thể nhưng nhờ giá dê ổn định, mấy năm trở lại đây đã có nhiều hộ ở Thanh An nuôi dê và thoát nghèo, thậm chí vươn lên làm giàu.

Để người dân chủ động hơn trong nuôi dê, chúng tôi rất mong có được sự định hướng và chuyển giao khoa học - kỹ thuật về lĩnh vực này”, ông Trường nói.