Viện KHKT nông nghiệp Bắc Trung bộ (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đã nghiên cứu, chọn tạo thành công giống mía VĐ00-236 có năng suất, chất lượng cao phù hợp với sinh thái vùng đất đồi.

- Nguồn gốc: VĐ00-236 (Việt Đường
00236) do Viện Nghiên cứu công nghiệp Mía đường Quảng Châu (Trung Quốc) lai tạo
thành công năm 2000 giữa giống Việt Đường 73-204 và giống CP72-1210.
VĐ00-236 được nhập nội vào Việt Nam
từ năm 2007, hiện được nhiều địa phương trồng thử nghiệm thành công và đưa vào
phục vụ SX.
VĐ00-236 được Viện KHKT nông nghiệp
Bắc Trung bộ bố trí trồng khảo nghiệm cơ bản từ năm 2011-2013 tại xã Tây Hiếu,
huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An (vụ mía tơ và vụ mía gốc 1); Khảo nghiệm SX từ
năm 2013-2014 (vụ mía tơ và vụ mía gốc 1) tại xã Tây Hiếu (Nghĩa Đàn) và xã
Công Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hóa cùng với các giống mía Roc10, QĐ93-159,
VL6, QĐ94-119 được chọn làm vật liệu nghiên cứu; trong đó Roc10 là giống đối
chứng.
Kết quả theo dõi qua các niên vụ khảo
nghiệm cho thấy:
- Đặc điểm hình thái: Thân cây to,
đều. Lóng thân hơi có dạng hình chóp nón, không có rãnh mầm. Thân lóng màu vàng
nhạt, khi dãi nắng chuyển sang màu vàng xanh. Mắt mầm nhỏ, hình trứng tròn.
Cánh mầm rộng trung bình. Bẹ lá không có lông. Tai lá hình lưỡi mác, tai lá
ngoài hình tam giác.
- Đặc điểm công nghiệp: Nẩy mầm
nhanh, tập trung, tỷ lệ nẩy mầm cao (51,3%), cao hơn đối chứng là Roc10
(50,8%). Thời kỳ đầu đẻ nhánh hơi chậm, sau đó nhanh hơn. Tốc độ sinh trưởng ổn
định, đều. Bộ lá xanh kéo dài, không bị xuống lá vào giai đoạn thu hoạch. Mật
độ cây lúc kết thúc đẻ nhánh đạt cao (dao động trong khoảng 129,9 ngàn cây/ha),
chống đổ ngã tốt. Rễ thân nhiều nhưng không ảnh hưởng chất lượng. Về năng suất
và chữ đường, trong các giống thí nghiệm VĐ00-236 luôn đứng đầu.
Tại Nghệ An, VĐ00-236 đạt năng suất
89,4 tấn/ha vụ mía tơ và 98,3 tấn/ha vụ mía gốc 1, tăng so với đối chứng 27,53%
vụ mía tơ và 28,27% vụ mía gốc 1. Còn ở Thanh Hóa, năng suất VĐ00-236 đạt 92
tấn/ha vụ mía tơ, tăng 38% so với đối chứng, ở vụ mía gốc 1 đạt 101,1 tấn/ha,
cao hơn đối chứng 39%. VĐ00-236 có chữ đường cao nhất trong các giống hiện tại
trong SX và đạt bình quân 12,3%, cao hơn giống đối chứng Roc 10 từ 15 –
20%.
- Khả năng thích ứng: VĐ00-236 là
giống mía có năng suất chất lượng cao, khả năng thích ứng rộng, nhất là điều
kiện sinh thái các vùng gò đồi, có thời gian sinh trưởng ngắn (cho thu hoạch
sau trồng 11 tháng), có thể trồng rải vụ góp phần làm tăng hiệu quả
trong SX nguyên liệu và chế biến đường. VĐ00-236 có khả năng kháng bệnh
than, bệnh khảm lá virus và bệnh sọc nâu. Theo khuyến cáo của Viện KHKT nông
nghiệp Bắc Trung bộ, VĐ00-236 có thời gian sinh trưởng ngắn, khả năng thích ứng
rộng. Vì vậy, trong thời gian tới Nghệ An cần có chính sách khuyến khích nông
dân mở rộng diện tích gieo trồng, đặc biệt là vùng gò đồi thuộc một số huyện
trọng điểm mía nhằm góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả kinh tế cho người
trồng mía và ổn định nguyên liệu cho các nhà máy đường.
- Lưu ý khi canh tác: Đây là giống
mía lai tạo cho vùng cận nhiệt đới phía Nam Trung Quốc, cho loại đất có độ phì
ở mức trung bình, khô hạn và dốc, hoặc cho các nông trại trên cao, không có
nước tưới. Giống mía này chịu thâm canh và có phản ứng rất tốt với phân lân và
kali.
NongNghiep.vn