Kiến thức - Kinh nghiệm nhà nông

 

Hệ lụy từ việc giá vỏ trấu bất ngờ “leo thang”

Đã có một thời gian trấu bị coi là thứ “phế phẩm” trong sản xuất và bị nhiều nhà máy xay xát lúa gạo đem đốt hoặc đổ bỏ bừa bãi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, thời điểm này trấu lại được nhiều người “săn” tìm mua và chưa bao giờ giá lại tăng cao đột biến như hiện nay.

*Giá tăng cao kỷ lục

Trái với xu hướng ế hàng, giá giảm mạnh vào dịp gần cuối năm của lúa, giá trấu đang xác lập mức cao kỷ lục trong hàng chục năm qua. Giá trấu tại TP Cần Thơ đang có giá bán sỉ ở mức 800-900 đồng/kg, bán lẻ lên đến 1.000 đồng/kg. Theo bà Đặng Thị Lùn, chủ một nhà máy xay xát lúa gạo ở xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, các năm trước giá trấu thường ở mức khoảng 200-250 đồng/kg, vào những lúc khan hiếm cũng chỉ khoảng 400 đồng/kg nhưng mức giá cao này không duy trì được lâu. Nhưng ngay trong những tháng đầu năm 2014 giá trấu đã vọt lên ở mức 400 đồng/kg và bước vào 2 tháng cuối năm đã xác lập mức giá tăng hơn gấp đôi so với đầu năm. Bà Lùn cho biết: “Gắn bó với nghề xay xát lúa gạo mười mấy năm qua, đây là lần đầu tiên mới thấy trấu tăng giá cao kỷ lục và duy trì mức giá cao này trong gần 2 tháng qua”.

Với việc đẩy mạnh cơ giới hóa trong khâu thu hoạch, lúa tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL được tập trung thu hoạch bằng máy thời gian ngắn trong các mùa vụ nên lượng trấu thải ra từ hoạt động xay xát lúa gạo cũng được tập trung cao theo mùa vụ chứ không trải rộng trong nhiều tháng như trước đây. Giá trấu bất ngờ tăng cao được cho là do thời điểm này nguồn cung trấu tại các nhà máy xay xát lúa gạo rất hạn chế, trong khi nhu cầu tiêu thụ trấu trên thị trường vẫn ở mức rất cao. Hiện nay, TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL bước vào giáp vụ sản xuất lúa gạo, lượng lúa gạo xay xát tại các nhà máy không nhiều nên nguồn cung trấu cũng khá ít. Đặc biệt, thời điểm này nhiều tiểu thương và doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo cũng hạn chế việc xay xát lúa do giá lúa gạo đang tuột xuống ở mức thấp bởi đầu ra xuất khẩu đang khá trầm lắng, còn nhu cầu tiêu thụ nội địa vẫn ở mức bình thường.

Bà Nguyễn Thị Kiều, tiểu thương kinh doanh lúa gạo ngụ tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Hiện tiểu thương rất hạn chế trong việc thu mua lúa hoặc đem lúa đi xay xát gạo để bán do giá lúa gạo đang giảm xuống ở mức thấp và có nhiều doanh nghiệp đang tạm ngừng thu mua gạo xuất khẩu. Giá lúa IR50404 phơi, sấy khô từ mức 5.800 đồng/kg vào thời điểm cách nay hơn 1 tháng đã giảm xuống còn 5.000- 5.100 đồng/kg. Nhiều loại lúa hạt dài cũng giảm 500-700 đồng/kg so với trước, xuống còn ở mức 5.200-5.400 đồng/kg đã khiến nhiều tiểu thương và nông dân có lúa trữ lại từ các vụ trước bị lỗ và không ít người đang cố neo lúa để chờ giá cải thiện trở lại”.

* Nhiều hệ lụy

Những năm gần đây, trấu ngày càng được nhiều người chọn sử dụng làm nhiên nguyên liệu phục vụ các hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt trong gia đình. Với việc phát triển các công nghệ ép và cuộn trấu thành “củi” đã tạo nhiều thuận lợi cho người dân trong vận chuyển và sử dụng trấu làm chất đốt phục vụ các hoạt động sản xuất và nấu nướng. Theo chủ nhiều nhà máy xay xát lúa gạo ở TP Cần Thơ, hiện có một lượng lớn trấu được sử dụng làm chất đốt phục vụ các hoạt động sản xuất công nghiệp và nông nghiệp như: nung gạch, sản xuất cồn, sản xuất hơi công nghiệp, sấy lúa…Bên cạnh đó, trấu hiện còn là một loại nguyên liệu không thể thiếu trong một số lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là việc làm phân bón phục vụ sản xuất rau màu và nhiều hoa kiểng cung ứng cho thị trường Tết hằng năm.

Thời gian qua, dù nhiều hộ gia đình và cơ sở sản xuất kinh doanh đã chủ động tìm mua, dự trữ vo trau ngay khi bước vào những lúc cao điểm mùa chế biến lúa gạo nhằm có nguồn trấu giá rẻ. Tuy nhiên, do năng lực dự trữ có hạn nên thời điểm này dù giá trấu tăng cao, nhiều người phải săn tìm mua trấu để phục vụ sản xuất, nhất là đối với các cơ sở có nhu cầu sử dụng nhiều trấu làm nguyên liệu đốt. Gia đình anh Trần Văn Trung ngụ phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ có 29 lò sấy lúa (Cơ sở sấy lúa Năm Sanh), hằng năm, các lò sấy này tiêu thụ gần 2.500 tấn trấu. Anh Trung cho biết: “Năng lực dự dữ trấu của cơ sở chỉ ở mức vài trăm tấn, giá trấu tăng cao như hiện nay không chỉ gây khó khăn cho nhiều cơ sở sấy lúa trong việc tìm mua trấu mà ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh do không thể tăng giá sấy lúa vì sợ mất khách”. Theo anh Trung, ngày càng có nhiều lò sấy lúa ra đời, cạnh tranh diễn ra rất gay gắt không chỉ giữa các lò sấy tại địa phương mà với các tỉnh bạn. Đặc biệt, gần đây nhiều doanh nghiệp tại các tỉnh lân cận như: Đồng Tháp và An Giang họ liên kết với nông dân thực hiện các mô hình “cánh đồng lớn” và mở các hệ thống chế biến gạo khép kín, thực hiện các dịch vụ liên hoàn từ khâu sấy, đến xay xát, lau bóng gạo, giúp giảm được nhiều chi phí vận chuyển và bốc vác, vì vậy giá sấy lúa cũng rẻ hơn rất nhiều so với những lò sấy lúa chỉ làm một dịch vụ đơn lẻ. Ngoài ra, nhờ kiêm cả khâu xay xát gạo nên họ cũng có được nguồn trấu rất dồi dào, không phải tốn tiền mua và vận chuyển về lò sấy.

Đối với nhiều nhà máy xay xát lúa gạo, việc giá trấu tăng, trước mắt sẽ giúp các nhà máy được hưởng lợi. Tuy nhiên, không ít chủ nhà máy xay xát lúa gạo ở TP Cần Thơ cũng tỏ ra lo lắng cho tương lai lâu dài khi cho rằng, các cơ sở làm dịch vụ xay xát tại thành phố tới đây cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh thu hút khách nếu không kịp thay đổi chiến lược kinh doanh. Nguyên nhân do gần đây ngày càng có nhiều nhà máy xay xát lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã thực hiện xay xát lúa gạo miễn phí cho khách hàng chỉ nhằm để lấy trấu, thậm chí họ còn trả tiền ngược lại nhằm hút khách. Ông Nguyễn Văn Hơn, chủ nhà máy sấy lúa và xay xát Tân Tiến ở huyện Thới Lai, TP Cần Thơ, cho biết: “Nhờ vừa sấy lúa vừa làm dịch vụ xay xát nên giá làm dịch vụ tại cơ sở tôi khá cạnh tranh. Tuy nhiên, gần đây tôi cũng quyết định chẳng những không lấy tiền của khách xay lúa thành gạo lứt nguyên liệu mà còn chi trả 50.000 đồng/tấn lúa cho họ để lấy trấu”.

Giá trấu tăng cao đang thực sự gây lo ngại cho nhiều hộ gia đình sử dụng và nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có liên quan, rất đáng được các nhà quản lý lưu tâm để có biện pháp quy hoạch các cụm lò sấy, nhà máy chế biến lúa gạo và sử dụng nguồn trấu một cách hợp lý. Đối với nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu sử dụng trấu làm nhiên liệu đốt cũng rất cần phải suy xét và tính đến chuyện tìm nguồn nguyên liệu đốt khác để thay thế trong tương lai.